1. Cắt lỗ sớm khi khoản lỗ còn nhỏ
“Nếu bạn không thể chấp nhận 1 khoản lỗ nhỏ, sớm hay muộn bạn phải chấp nhận mẹ của tất cả các khoản lỗ.” - Ed Seykota.
➨ Ưu tiên số 1 khi tham gia vào thị trường chứng khoán không nằm ở việc cố kiếm thật nhiều tiền để nhanh chóng trở lên giàu có mà nằm ở việc bảo vệ tuyệt đối số vốn mà Bạn đang có.
2. Mức Cutloss tối đa chấp nhận được không bao giờ được phép >10%, tối ưu nên nằm trong khoảng 5-8%
- Tỷ lệ thua lỗ càng lớn thì tỷ lệ lãi càng lớn nhiều hơn để gỡ lại.
- Không dễ để kiếm các khoản lãi lớn như các khoản lãi nhỏ. Cho nên đừng ham gồng lỗ mà rơi xuống hố sâu, rất khó để trở lại.
- Cutloss nhanh với nhiều khoản lỗ nhỏ từ 5-8% để dễ dàng gỡ lại, bởi việc tìm kiếm các CP tăng giá 20-25% dễ dàng hơn rất nhiều các CP tăng giá 50-100%.
- Thay vì tốn thời gian cố gắng chờ đợi trong cảm xúc tệ hại để hy vọng lấy lại số tiền vốn sau khi thua lỗ lớn, thì đơn giản nhất là Bạn chấm dứt nó thật sớm ngay khi nó vừa xuất hiện. Điều này giúp lợi ích của lãi kép vận hành nhanh hơn.
- Thử tưởng tượng nếu ta cắt lỗ luôn từ sớm thì chỉ cần tìm ra 3 cổ phiếu tăng giá 25% ta đã nhân đôi số vốn ban đầu. Thay vì đau khổ ngồi im ôm lỗ, rồi hy vọng chờ CP hồi về điểm hòa vốn khi lỡ để thua lỗ 50%.
- Ghi nhớ thật kỹ quy tắc hình học về các mức thua lỗ
3. Tận dụng tối đa chi phí cơ hội bằng việc lãi kép lợi nhuận với vòng quay vốn nhanh.
Khi nội công và kỹ năng cao hơn Bạn có thể tăng vòng quay vốn nhanh như nhà vô địch chứng khoán Mỹ: Mark Minervini với tỷ suất lợi nhuận 3 con số trên 100%/năm.
Phương pháp của ông là tập trung vào các khoản lãi nhỏ 10-20% nhưng vòng quay vốn nhanh liên tục. Mặc dù tỷ lệ thắng trung bình chỉ chiếm hơn 50% chút xíu nhưng tỷ xuất lợi nhuận lại vô cùng lớn (Tất nhiên chỉ phù hợp với quy mô vốn nhỏ, vì tận dụng được nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh trong ngắn hạn mà không vướng thanh khoản do quy mô vốn lớn gây ra).
“Bạn đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là bạn được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai.” George Soros.
4. Loại bỏ các tư duy sai lầm sau khi thua lỗ
- Chấp nhận rủi ro lớn để kỳ vọng kiếm được lợi nhuận cao nhằm gỡ lại số vốn đã mất. Khi thua lỗ đừng để mình bị cuốn vào giao dịch trả thù để gỡ lại số tiền đã mất . Bởi hầu hết đều thất bại vì sai thời điểm. Khi Bạn bị thua lỗ, chứng tỏ Bạn đang sai một điều gì đó hoặc thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, hãy tạm đóng vị thế lại, bình tĩnh ngồi ngoài, tĩnh tâm phân tích xem nguyên nhân nằm ở đâu, rồi rút ra bài học. Đó là cách tốt nhất để bảo toàn vốn chứ không phải nóng vội giao dịch nhằm gỡ lại số vốn đã mất.
- Khi thua lỗ cũng đừng lãng phí thời gian để trách móc bản thân, những kẻ bán khống, Ngài thị trường (Tâm lý đám đông) hay bất kỳ ai khiến Bạn mất tiền. Tự làm chủ cảm xúc, tư duy lạc quan sẽ giúp Bạn luôn tỉnh táo để đưa ra những lựa chọn sáng suốt trong các tình huống khó khăn.
- Đừng để cảm xúc sợ hãi chi phối nếu Bạn thua lỗ hoặc thường xuyên phạm sai lầm. Nếu gặp phải chuỗi thua lỗ liên tiếp kéo dài có thể Bạn đang gặp phải một thị trường khó khăn, biến động khó lường, nên giảm quy mô giao dịch về mức càng thấp càng tốt hoặc chọn cách tốt hơn là đứng ngoài thị trường để đi du lịch giải khuây. Khi quay lại Bạn chỉ nên giao dịch thật nhỏ để lấy lại cảm giác trước khi lấy lại được sự tự tin khi tham gia vị thế lớn.
5. Lệnh Cutloss/Cắt lỗ theo nhóm:
Không cần thiết phải thoát hết toàn bộ tại một mức giá cụ thể, vì đôi khi chúng ta có thể dính các cú quét ép bán Cutloss của dòng tiền thông minh. Họ cố ý đạp sâu xuống hơn các vùng hỗ trợ mạnh để ép người chơi nhả bớt hàng.
- Nếu Bạn muốn mức lỗ trung bình của mình ở ngưỡng 6% thì Bạn có thể tham khảo cách đặt lệnh Cutloss theo nhóm như sau: 1/3 lượng hàng bán ban đầu ở mức 4%, 1/3 lượng hàng tiếp theo ở mức 6%, bán nốt ở mức 8%. Dù thế nào tổng lỗ vẫn chỉ 6% nhưng có thể đảm bảo cho chúng ta không bị rụng hàng sớm.
- Cách khác nữa là Bạn bán 50% CP ở mức lỗ 5% và bán nốt 50%CP còn lại ở mức lỗ 10%. Tổng lỗ trung bình cả 2 lần là 7.5%.
Lưu ý:
👉 Không được ngồi ôm kỳ vọng chờ hồi giá để đỡ lỗ hơn. Sự kỳ vọng có thể may mắn đúng một vài lần nhưng sẽ tạo thói quen rất xấu là chấp nhận: “vi phạm kỷ luật”, “vi phạm các nguyên tắc” của chính mình. Và chỉ 1 lần sai thôi, nó có thể xóa sổ Bạn hoàn toàn.
😁 Hành trình trong cuộc chơi tài chính rất dài, đừng sợ vài trận thua nhỏ mà để mất tất cả trong một trận thua lớn cuối cùng. Nếu Bạn để mình phá sản, mất hết tiền bạc thì mọi thứ chấm hết. Cho dù thị trường có đầy cơ hội kiếm tiền cũng không đến lượt Bạn nữa đâu.
6. Cách nâng lệnh Cutloss lên và bảo vệ lợi nhuận có được:
Trước khi mua Bạn phải có một mức dừng lỗ đặt sẵn trong kế hoạch ban đầu (VD là 8%). Sau khi mua nếu CP chưa tăng giá vượt qua mức lỗ kế hoặch kia (tức tăng chưa tới 8% lãi) thì Bạn vẫn duy trì mức dừng lỗ như cũ. Chỉ khi CP tăng giá vượt quá 2-3 lần mức dừng lỗ kế hoạch thì ta mới tiến hành nâng lệnh dừng lỗ lên để bảo vệ NAV tốt hơn.
- Cách nâng lệnh Cutloss:
- Nếu CP tăng lên lãi >16% (Gấp 2 lần mức lỗ kế hoạch) thì ta có thể nâng lệnh dừng lỗ về điểm mua ban đầu (Mức hòa vốn).- Nếu CP tiếp tục tăng lên 24% (Gấp 3 lần mức lỗ kế hoạch) thì ta tiến hành bước tiếp theo là bảo vệ lợi nhuận có được.
- Tạo một điểm chặn để bảo vệ lợi nhuận có được:
- Khi thấy giá giảm về dưới 20%, ta tiến hành bảo vệ bằng cách bán bớt 30-50% vị thế để chốt một phần lợi nhuận có được. Số CP còn lại ta có thể yên tâm chơi tới cùng mà không bao giờ sợ thua lỗ hay mất lãi vì cùng lắm nếu CP giảm về mức giá mua ban đầu thì ta cũng chả mất gì khi đã có được tiền lãi nhờ chốt ở số CP đã bán đầu tiên. Đây là cách làm thông minh để tham dự cuộc chơi chỉ thắng không thua của các nhà đầu cơ kỳ cựu.
- Nếu giá tiếp tục cao hơn mức lãi 25% ta có thể tạo một điểm chặn tự động theo tỷ lệ giảm giá từ đỉnh.
Nguồn: Anh Nguyễn Bình - binhnt.tamviet@gmail.com
0 Nhận xét